Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử UBND Xã Trà Dơn

Chi tiết tin

Nhọc nhằn giáo viên trường trên “nóc bản”

Ở huyện vùng cao Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), có nhiều cô giáo chấp nhận gian khổ và thậm chí hy sinh cả tuổi thanh xuân để mang cái chữ đến cho con em đồng bào dân tộc Cơ Tu. Dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do công tác xa nhà và chưa được vào biên chế, nhưng các thầy giáo, cô giáo vẫn tự nguyện trích những đồng lương ít ỏi của mình để mua quà tặng học sinh nghèo…

Trường trên “nóc bản”

Trường Tiểu học Trà Vân nằm cheo leo vách núi. Thầy giáo Hồ Văn Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Vân (người có thâm niên 18 năm gắn bó với mảnh đất gian khó Nam Trà My) kể: “Để đến được những điểm trường trên các nóc (bản), giáo viên thường xuyên lội suối, băng rừng hàng chục km. Những ngày mưa lũ hay mùa giáp hạt thì thầy, cô phải đến từng nhà, vận động bà con cho con em đi học. Nhiều trường hợp gia đình thiếu ăn, nhà trường phải hỗ trợ thêm gạo, muối để bà con no cái bụng, sáng cái đầu thì mới tin, mới cho con em đến lớp”.

 Các em học sinh Trường Tiểu học Trà Vân.
Giáo viên trẻ Nguyễn Thị Thọ, quê ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) tâm sự: “Chúng em ở trên này không chỉ là cô giáo, mà còn phải trở thành người mẹ, người chị của các em học sinh. Cô ở xa gia đình, trò học xa nhà, cứ thế mà nương tựa, đùm bọc, yêu thương nhau”...

Tôi nêu câu hỏi: “Để đến dạy chữ cho học sinh tại những điểm nóc rải rác, các cô giáo phải đi bao nhiêu km?”.

Cô giáo Võ Thị Kim Ánh trả lời một câu đầy hình ảnh: “Chúng em đi dạy có thói quen đo quãng đường bằng mồ hôi và nước mắt, chứ không đo bằng km!”. Cô Ánh có chồng là thầy giáo Trương Văn Mỹ dạy cùng trường. Vợ chồng Ánh lên dạy ở Trà Vân từ năm 2010 nhưng nay vẫn chưa có nhà ở, đất ở. Điều kiện hoàn cảnh khó khăn, nên đành gửi con trai là cháu Trương Văn Khiêm về bà nội ở tận Phú Ninh.

Thật vậy, do điều kiện địa lý, gia đình học sinh ở rải rác từ nóc này đến nóc kia cách nhau 5 - 7 giờ đồng hồ đi bộ… Thế nên các cô giáo trẻ phải thường xuyên luồn rừng, leo núi để đến với học sinh.

 Cô giáo Võ Thị Kim Ánh chăm sóc học sinh.
“Ê sắc ế... đến nơi rồi!”

Trẻ em Cơ Tu từ nhỏ đã quen cầm rựa lên nương, rẫy, giờ bắt chúng cầm cây bút, viết cái chữ khó lắm. Để hiểu bà con, để được dân tin, dân quý phải ăn ở, phải sống theo phong tục của người trên này. Thế nên gần chục cô giáo của trường Trà Vân lên đây mấy năm rồi nhưng khi nói đến chuyện chồng con thì ai nấy đều im lặng, đôi mắt xa xăm nhìn về hướng đồng bằng. Cô giáo Đoàn Thị Quyên (26 tuổi) chỉ vào cành cây trước hiên nhà, nơi có sợi dây dù buộc vào chiếc điện thoại di động: “Phải treo lên đấy mới có sóng để liên lạc với người thân ở dưới xuôi anh ạ. Trường chúng em còn 8 cô giáo chưa chồng. Hồi mới lên thì còn có bạn trai, nhưng bây chừ thì thưa vắng dần vì đường sá xa xôi, cách trở. Có lẽ bọn em “ê sắc ế đến nơi rồi!’…

Trường hợp cô giáo Nguyễn Hải Yến, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/1A là một thí dụ điển hình. Hoàn cảnh của cô Yến rất khó khăn. Chồng là Trung úy Võ Đức Phương, hiện đang công tác ở Phòng Chính trị Sư đoàn 315 (Quân khu 5). Cưới nhau gần 3 năm vẫn trong tình trạng “vợ đầu non, chồng cuối bến”. Vì dạy học ở Trà Vân, điều kiện ăn ở, sinh hoạt khó khăn, nên khi con trai Võ Đức Minh Quân mới gần 8 tháng tuổi, vợ chồng Yến phải gửi nhờ ông bà nội ở huyện Núi Thành nuôi hộ. Vì trường cách xa nhà ông bà nội gần 150km, nên 2-3 tuần Yến mới về thăm chồng, con một lần. Mỗi khi thương nhớ con, Yến chỉ biết khóc thầm lặng lẽ.

Yến tâm sự: "Em lên đây công tác được gần 4 năm rồi nhưng hiện nay vẫn đang dạy hợp đồng. Lương thấp, điều kiện sinh hoạt khó khăn, đôi khi thấy nản, nhưng nghĩ thương học trò vùng cao nên chúng em vẫn bám trụ trên mảnh đất này. Nguyện vọng của em bây giờ là được vào biên chế chính thức để thực sự yên tâm với nghề".

Tìm hiểu thực tế, không riêng gì Yến mà hiện nay hầu hết đời sống của đội ngũ giáo viên thuộc huyện miền núi Nam Trà My còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt tại các điểm trường, có nơi cách trường chính 1 ngày đi bộ, các thầy, các cô phải ở lại tại điểm trường thì cuộc sống càng thêm vất vả. Hơn một tháng, các thầy, cô mới xuống núi đón xe về thăm gia đình. Do đời sống của đồng bào tại những thôn, bản vùng cao chủ yếu là sản xuất tự cung, tự cấp, có rất ít hàng hóa để trao đổi, mua bán, nên hằng ngày các cô phải ăn lương khô, mì tôm...

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến hướng dẫn học sinh viết chữ.
Theo thầy giáo Hồ Văn Hạnh, bao nhiêu năm qua, để giữ được sĩ số, các thầy giáo, cô giáo đều trích từ phần lương ít ỏi của mình để mua quà cho học sinh. Chỉ tính trong mấy năm gần đây, các thầy giáo, cô giáo Trường Tiểu học Trà Vân đã trích gần 30 triệu đồng mua quà tặng học sinh nghèo vượt khó. Nhà trường còn chủ động kết nối với một số tổ chức, cá nhân từ thiện vận động hỗ trợ hàng ngàn suất quà cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các cô giáo trẻ mỗi lần về thăm quê dưới xuôi, khi lên trường bao giờ cũng gắng mang theo kẹo, bánh và đồ khô để lên phát cho các em học sinh.

Để bớt thiệt thòi

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình An, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My cho biết: Toàn huyện hiện có 565 giáo viên (trong đó 286 giáo viên biên chế chính thức và 279 giáo viên hợp đồng). Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm nhưng cuộc sống của giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn. Cũng thực hiện chế độ giảng dạy, công tác như nhau, nhưng đối với những giáo viên hợp đồng công tác ở vùng khó khăn lại không được hưởng phụ cấp thu hút như đối với giáo viên biên chế chính thức nên rất thiệt thòi.

Ngoài ra, theo Nghị định 61 của Chính phủ, cán bộ, giáo viên vùng thuận lợi lên công tác tại vùng khó khăn có phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên thì được hưởng chế độ 61 và thời gian được hưởng 5 năm. Nhưng năm 2013, theo nghị định mới, những đối tượng trên, sau 5 năm không được chuyển về vùng có điều kiện thuận lợi mà tiếp tục ở lại công tác thì tiếp tục hưởng. Còn số cán bộ, giáo viên lên trước, từ những năm khó khăn, định cư sống trong điều kiện khó khăn trên hàng chục năm không được tiếp tục hưởng cũng rất thiệt thòi. Vì vậy đề nghị Chính phủ điều chỉnh cho hợp lý để thu hút được giáo viên lâu năm ở lại công tác lâu dài tại những vùng khó khăn.

Hằng năm, số lượng cán bộ, giáo viên chuyển công tác về vùng đồng bằng nhiều gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy. Do đó, đề nghị các cấp, các ngành cần sớm có thêm chính sách thu hút đối với cán bộ, giáo viên có nguyện vọng công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn như: Hỗ trợ đất ở, đất rừng sản xuất...

Tác giả: Bài và ảnh: TIẾN DŨNG - VĂN CHUNG

Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân


Ý kiến bạn đọc: (0)

Thông tin (*) là bắt buộc:
Họ và tên: (*)
Địa chỉ:
Email:
Nội dung: (*)
Mã xác nhận (*)

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ DƠN - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Dơn - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)